Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Triết lý sống của Steve Jobs



Ai cũng biết người làm nên điều khác biệt cho hình ảnh Quả táo – Apple chính là Steve Jobs. Để có được những thành tựu cho Apple, ghi dấu ấn trong trái tim cả tỷ người trên thế giới, Steve Jobs luôn sống với những triết lý của ông. Thế triết lý sống của Steve Jobs là gì? Em gửi đến chị bài đọc về triết lý sống của Steve Jobs. Với phương châm sống này, ông đã khiến cho người đời luôn ghi nhớ về ông, cho dù ông đã khuất.
Chúc  Anh/Chị một tuần nghĩ lễ thật hạnh phúc với những triết lý sống của riêng bản thân mình nhé!
Triết lý sống của Steve Jobs
"Nếu đã làm được thứ gì đó tuyệt vời, đừng dừng lại"– Steve Jobs
Một đứa trẻ bị bỏ rơi. Một kẻ bỏ học. Một giám đốc từng bị sa thải. Một doanh nhân thất bại. Steve Jobs đã trải qua nhiều năm tháng sóng gió trước khi ngự trên đỉnh cao của thế giới.
Trên hành trình thay đổi thế giới điện toán và di động của mình, nhà đồng sáng lập Apple (thành lập năm 1976) nhiều lần gặp thất bại, nhưng với ông, có vấp ngã mới có thành công. "Tôi chính là người duy nhất từng biết đã mất một phần tư tỷ dollar trong một năm. Đó là cách tôi xây dựng tính cách", Jobs nhận xét về bản thân và được trích đăng trong cuốn Apple Confidential 2.0 (2004).
Giống như hai thiên tài khác của thế giới, Bill Gates và Mark Zuckerberg, Jobs bỏ học giữa chừng. Chàng trai 17 tuổi khi ấy thiếu định hướng vào đời. "Tôi không có ý niệm muốn làm gì trong tương lai và cũng không hiểu trường học sẽ giúp tôi xác định lối đi thế nào. Ở đó, tôi tiêu hết số tiền mà bố mẹ dành dụm cả đời. Vì thế tôi quyết định nghỉ học với niềm tin rằng rồi mọi chuyện sẽ ổn cả thôi", Jobs nói trong bài phát biểu tại Đại học Stanford năm 2005.
Bài học ở đây không phải khuyến khích thanh thiếu niên nghỉ học mà là họ cần biết họ muốn gì, đam mê điều gì và theo đuổi niềm đam mê đó như thế nào. Tuy quyết định bỏ học, Jobs vẫn đăng ký tham gia một khóa học viết chữ đẹp, nhờ vậy ông mới có thể kết nối những kinh nghiệm đó vào các sản phẩm sau này. "Một phần khiến Macintosh tuyệt vời là những người làm ra nó từng là nhạc sĩ, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà động vật học và cả nhà sử học nhưng giờ lại trở thành những chuyên gia máy tính hàng đầu thế giới", Jobs lý giải về thành công của Mac. Một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) cũng chỉ ra rằng sự sáng tạo, mới mẻ không tự nhiên sinh ra mà đòi hỏi khả năng huy động, móc nối một cách vô hình nhiều kinh nghiệm trước đó.
Nếu Bill Gates là một thiên tài kinh doanh đi làm phần mềm thì Steve Jobs là một nghệ sĩ đi làm máy tính. Ông có thiên hướng hippy nổi loạn, kể cả trong việc điều hành Apple nhưng luôn kiên định trên con đường thay đổi thế giới. Năm 1983, ông lôi kéo John Sculley, khi đó là giám đốc điều hành hãng Pepsi, về đầu quân cho Apple bằng câu hỏi nổi tiếng: "Anh muốn cả đời đi bán thứ nước ngọt có gas ấy hay muốn có cơ hội để thay đổi thế giới?". Một năm sau đó, chính Sculley đã khiến Jobs bị Apple sa thải vì bất đồng quan điểm trước khi hãng này mời ông trở về vào năm 1997.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi trở lại, tinh thần và triết lý của CEO trứ danh này đã được thể hiện qua đoạn quảng cáo kinh điển Think Different (Nghĩ khác) của Apple. Clip đó nhắc đến những cái tên như Albert Einstein, Bob Dylan, Martin Luther King, Thomas Edison, John Lennon, Pablo Picasso... với lời nhận xét: "Họ điên khùng. Nổi loạn. Chuyên gây rắc rối. Họ giống như nồi tròn vung méo và nhìn mọi thứ khác lẽ thông thường. Họ ghét nguyên tắc và làm đảo lộn hiện trạng. Bạn có thể bất đồng với họ, vinh danh hay căm thù họ. Nhưng bạn không thể không chú ý đến họ. Bởi họ thay đổi thế giới và đưa nhân loại tiến lên phía trước. Trong khi họ bị coi là những kẻ điên, chúng tôi lại thấy ở đó những thiên tài. Bởihọ đủ điên để nghĩ mình có thể thay đổi thế giới".
Quảng cáo đó đánh dấu sự trở lại của Jobs và mở ra chương mới đầy huy hoàng cho Apple. Jobs thực sự biết cách làm thay đổi mọi thứ. Apple không tạo ra thị trường mới, họ "định hình" lại chúng. iPod và iPhone xuất hiện khi máy nghe nhạc và điện thoại đã thịnh hành trên khắp thế giới. Bill Gates nói về máy tính bảng từ năm 2001 trong khi mãi đến năm 2010, Apple mới giới thiệu iPad. Nhưng họ vẫn thành công hơn bất cứ công ty điện tử tiêu dùng nào trên toàn cầu. Vậy bí quyết của Jobs là gì? Trong cuộc phỏng vấn với BusinessWeek (5/1998), ông chia sẻ: "Một trong những câu thần chú của tôi là: Trọng tâm và Đơn giản. Hãy biến những khái niệm phức tạp thành những thứ dễ hiểu. Tạo ra cái gì đó đơn giản còn khó hơn nhiều so với việc làm nó trở nên phức tạp. Nhưng khi làm được, bạn có thể dời non lấp bể".
Steve Jobs không chỉ có tầm nhìn về công nghệ mà còn có tầm nhìn trong thiết kế. Điều đó gói gọn trong triết lý xây dựng sản phẩm của ông: "Trong rất nhiều trường hợp, người dùng không biết họ muốn gì cho đến khi bạn chỉ cho họ thấy".
Với niềm đam mê và khát khao thay đổi, tiền bạc không phải thứ ông hướng đến. Jobs không nhận bất cứ khoản tiền thưởng, phụ cấp hay cổ phiếu nào trong năm 2010 trừ mức lương tượng trưng 1 USD. Ông nắm trong tay 5,5 triệu cổ phiếu Apple nhưng cũng chưa bao giờ bán chúng từ khi trở lại công ty năm 1997. "Trở thành người giàu nhất nhưng như đang sống trong nghĩa địa chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Mỗi tối trước khi đi ngủ và thấy rằng mình vừa làm được điều gì đó tuyệt vời mới thực sự quan trọng", báo Wall Street Journal trích dẫn câu nói của ông vào tháng 5/1993. "Nếu làm được một điều gì đó thú vị, hãy đứng dậy và tiếp tục làm những thứ khác tuyệt vời hơn thế nữa, thay vì ngồi một chỗ tự mãn và gặm nhấm chiến thắng".
Tiếc rằng, thiên tài thường đoản mệnh. Steve Jobs qua đời ngày 5/10 sau bảy năm chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tụy, bỏ lại nhiều kế hoạch dang dở. Ông hiểu sự khắc nghiệt của thời gian nên đã khuyên các sinh viên tại Đại học Stanford rằng: "Thời gian của bạn không nhiều, đừng lãng phí bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe lời giáo điều, vì đó là suy nghĩ của người khác. Đừng để những quan điểm ồn ào lấn át tiếng nói bên trong bạn. Hãy biết bạn muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu".
Nhưng bài học quan trọng nhất mà Steve Jobs luôn nhắc nhở chính mình là: "Sống khát khao. Sống dại khờ" (Stay Hungry, Stay Foolish) bởi như thế, con người mới có thể đi đến tận cùng của sự đam mê, sáng tạo và thay đổi.
Thân mến,